Lý Sơn: Vẫn chưa đón khách du lịch trở lại

UBND tỉnh đã cho phép tuyến vận tải hành khách từ đất liền ra đảo Lý Sơn hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên Lý Sơn chưa thể đón khách du lịch nhằm bảo vệ “vùng xanh”.

Từ ngày 12/10 đến nay, các tàu cao tốc tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn và ngược lại đã được phép hoạt động trở lại với yêu cầu đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.

Giám đốc Ban Quản lý Cảng Sa Kỳ Nguyễn Hữu Đoan cho biết, dù được phép hoạt động trở lại, nhưng số lượt vận chuyển khách ra đảo rất hạn chế.

Vận tải hành khách ra đảo Lý Sơn đã được hoạt động trở lại.
Vận tải hành khách ra đảo Lý Sơn đã được hoạt động trở lại.

Tàu chỉ chạy một chuyến/ngày. Có ngày không có tàu chạy vì không có khách. Đơn vị luôn kiểm tra và nhắc nhở khách ra vào cảng Sa Kỳ luôn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn, khai báo y tế và cung cấp đầy đủ thông tin lịch trình di chuyển…

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng đến nay, huyện Lý Sơn vẫn chưa có trường hợp F0 cộng đồng. Do đó, để đảm bảo an toàn cho “vùng xanh”, chuẩn bị phục hồi hoạt động du lịch, huyện Lý Sơn đã tổ chức tiêm phòng cho hơn 500 lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, huyện đang nỗ lực tiêm phòng vắc xin cho tất cả người dân trên huyện.

Theo Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động du lịch tại địa phương bị “đóng băng”. Đời sống người dân khó khăn, lực lượng lao động dựa vào du lịch đều bị thất nghiệp.

Để phục hồi hoạt động du lịch, trước mắt huyện nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Tùy theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, mà huyện mở cửa đón khách du lịch trở lại.

Huyện Lý Sơn hiện có 133 khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú, với hơn 1.000 phòng và 50 hộ dân kinh doanh mô hình homestay.

Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch ở Lý Sơn đang chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch… để chuẩn bị đón khách khi dịch bệnh được kiểm soát.

Chủ cơ sở homestay Cô Thuần cho biết, khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vào mùa du lịch, cơ sở của tôi đón hơn 1.000 lượt khách đến nghỉ ngơi. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay cơ sở phải đóng cửa.

Thời gian này, tôi tranh thủ trang trí, sửa chữa lại nơi lưu trú, khu vui chơi; đồng thời gia đình tôi được tiêm vắc xin phòng Covid-19, để chuẩn bị đón khách du lịch trở lại.

Trí Phong

Coi thêm ở : Lý Sơn: Vẫn chưa đón khách du lịch trở lại

Đảo Lý Sơn khoanh biển làm hồ bơi

Huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đang khoanh biển làm hồ bơi với tổng vốn đầu tư 5 tỉ đồng.

Sáng 19-10, ông Nguyễn Quốc Việt – bí thư Huyện ủy Lý Sơn – xác nhận huyện đang thi công khoanh khu vực biển phía đông nam đảo Lý Sơn làm hồ bơi.

Theo ông Việt, đây là bơi lưỡng dụng, phục vụ công tác huấn luyện của quân sự, huấn luyện bơi lội để cứu nạn cứu hộ. “Khi không huấn luyện, hồ bơi này sẽ phục vụ cho hoạt động tắm biển của người dân và du khách”, ông Việt nói.

Vị trí biển được khoanh lại làm hồ bơi
Vị trí biển được khoanh lại làm hồ bơi

Hồ bơi này có kích thước 60mx35m (2.100m2) với tổng vốn đầu tư 5 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Chính quyền huyện đã ủy quyền cho Ban chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn làm chủ đầu tư dự án hồ bơi, sử dụng làm khu huấn luyện bơi, phục vụ cho mục đích cứu nạn và cứu hộ.

Việc khoanh biển bằng cách sử dụng những khối bêtông che chắn khu vực ngoài biển để giảm lực sóng, gió. Nước biển vẫn lưu thông bình thường.

Dự án đã khởi công ngày 2-8, dự kiến ngày 31-12 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

“Lý Sơn có nhiều danh lam, thắng cảnh độc đáo nổi tiếng, nhất là trầm tích núi lửa rất đẹp. Việc làm hồ bơi sẽ rất lưỡng dụng và phục vụ nhiều mục đích. Trong đó có phát triển kinh tế địa phương, nhất là đón du khách và nhu cầu tắm biển của người dân”, ông Việt nói.

Trần Mai

Coi thêm ở : Đảo Lý Sơn khoanh biển làm hồ bơi

Chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn: Doanh nghiệp vẫn phải chờ

Tháng 6/2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã trao chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm “tỏi Lý Sơn”. Tuy nhiên, đến nay huyện Lý Sơn vẫn chưa thể cấp phép quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn cho các doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kinh doanh tỏi đang chờ được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn để phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Doanh nghiệp mong mỏi

Dù nhận được nhiều kỳ vọng, nhưng hơn 1 năm đã qua, chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn vẫn chưa phát huy giá trị, khiến việc bảo vệ thương hiệu, nâng tầm đặc sản của đất đảo gặp nhiều khó khăn. Anh Ngô Hoài Phương – Giám đốc Công ty TNHH Volcano, một DN nhiều năm kinh doanh tỏi ở Lý Sơn, cho biết, tôi đã nộp đơn đăng ký quyền được sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn, để tiếp tục khẳng định với người tiêu dùng sản phẩm tỏi do công ty cung cấp ra thị trường được trồng tại đảo Lý Sơn và đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thế nhưng, công ty hiện vẫn phải… chờ.

“Chúng tôi mong sớm nhận được logo và tem truy xuất nguồn gốc của chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn để dán lên sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ nhận diện, có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm tỏi trên thị trường. Từ đó giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng tỏi Lý Sơn mà không lo mua phải hàng nhái, hàng giả”, anh Phương nói.

Hiện có gần 30 tổ chức, DN và hộ sản xuất, kinh doanh nộp đơn đăng ký quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái huyện Lý Sơn Đặng Văn Trọng, hiện tại rất nhiều địa phương trồng tỏi, trong đó có vùng trồng tỏi tương tự tỏi Lý Sơn, vì thế cạnh tranh rất khốc liệt. Những chuyến hàng tỏi Lý Sơn được phân phối bị hoài nghi nguồn gốc, xuất xứ, nên chỉ dẫn địa lý như giấy thông hành của tỏi Lý Sơn đi đến mọi miền đất nước. “Hợp tác xã rất cần chỉ dẫn địa lý để việc kinh doanh thuận lợi hơn; đồng thời xem đây là công cụ hữu ích trong cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại”, anh Trọng nói.

Tỏi ở Lý Sơn chỉ trồng vào vụ đông xuân, với diện tích dao động từ 300 – 350 ha/năm. Mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 1.300 – 1.800 tấn tỏi khô, với giá trị sản xuất hơn 200 tỷ đồng.

Chậm trễ do đâu?

Việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn kéo dài, nguyên nhân là do huyện Lý Sơn chưa xây dựng được tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Mà theo quy định, để cấp phép được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đòi hỏi phải có tem truy xuất nguồn gốc.

Theo UBND huyện Lý Sơn, khi thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn”, nhằm giúp tỏi Lý Sơn được cấp chỉ dẫn địa lý, đã không đề cập đến nhiệm vụ truy xuất nguồn gốc, vì kinh phí hạn hẹp. Khi tỏi Lý Sơn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, huyện Lý Sơn đã bố trí trên 440 triệu đồng thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ để hỗ trợ công tác bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc tỏi vẫn còn… chờ.

Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn Võ Trí Thời cho rằng, Phòng được giao nhiệm vụ phối hợp với một DN thực hiện nhiệm vụ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cho chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 kéo dài, DN chưa thể ra Lý Sơn để thực hiện các bước mã hóa số liệu phục vụ cho việc xây dựng tem truy xuất nguồn gốc. Việc truy xuất nguồn gốc chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn.

“Có nhiều DN, hộ sản xuất, kinh doanh tỏi xin được cấp phép quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Tuy nhiên, để cấp phép được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đòi hỏi phải có tem truy xuất nguồn gốc. Tem truy xuất nguồn gốc phải đi đôi với logo chỉ dẫn địa lý, chưa có tem truy xuất nguồn gốc nên chúng tôi chưa thể tham mưu UBND huyện ra quyết định cấp phép quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi”, ông Thời nói.

Hiện nay, huyện Lý Sơn và DN đang tính phương án tập huấn trực tuyến cho các DN, hộ sản xuất, kinh doanh về quy trình mã hoá dữ liệu vùng trồng, quy trình sản xuất, chế biến tỏi, để mã hóa dữ liệu làm tem truy xuất nguồn gốc. Việc này nhằm sớm hoàn thiện tem truy xuất nguồn gốc, để cấp chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức, doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh tỏi Lý Sơn.

Hữu Danh

Coi nguyên bài viết ở : Chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn: Doanh nghiệp vẫn phải chờ

Bộ đội Lý Sơn giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, Ban Chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn đã huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia cùng với các lực lượng trên điạ bàn huyện để giúp người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đầu tháng 10/2021, trên địa bàn huyện Lý Sơn đã có mưa to, rất to, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Một số trường học bị ngập nước, nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, đổ ngã, đặc biệt là hơn 300 ha hành tím bị ngập sâu trong nước.

Giúp người dân thu hoạch hành tím bị ngập.
Giúp người dân thu hoạch hành tím bị ngập.

Trong những ngày qua, Ban Chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn đã huy động hơn 100 lượt cán bộ, chiến sĩ ra quân giúp dân khắc phục. Cụ thể là thu hoạch một số diện tích hành tím bị ngập sâu trong nước ở thôn Đông; khai thông cống rãnh tiêu thoát nước cho 5 trường học; đồng thời gia cố một số điểm có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến nhà dân, trường học trên địa bàn.

Trồng lại cây xanh bị ngã sau bão số 5 và số 6.
Trồng lại cây xanh bị ngã sau bão số 5 và số 6.

Chỉ huy trưởng Cơ quan quân sự huyện Lý Sơn Hồ Ngọc Hiên cho biết, trong 2 ngày (9 – 10/10), đơn vị tiếp tục rà soát lại tình hình để tiếp tục tăng cường công tác giúp dân khắc phục nhằm sớm ổn định cuộc sống, sản xuất cho nhân dân.

Trước đó, trong bão số 5 và 6 vừa qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã giúp dân chằng chống lại nhà cửa, lợp lại nhà cho người dân sau khi bão đi qua và trồng lại cây xanh bi nghiêng, đổ sau bão.

PV

Coi thêm ở : Bộ đội Lý Sơn giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai

Cho phép tàu khách siêu tốc Sa Kỳ-Lý Sơn được hoạt động trở lại

Tuy nhiên theo Bí thư Huyện uỷ, Trưởng BCĐ phòng chống dịch Covid-19 huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt, hiện tình hình dịch vẫn còn phức tạp nên du khách vẫn chưa được phép ra đảo. Vì vậy tàu khách hoạt động chỉ được phép đưa, đón người dân Lý Sơn và các trường hợp đi công vụ từ đất liền ra đảo và ngược lại.

Sáng 10/10, trao đổi với PV Etime, Bí thư Huyện uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch Covid-19 huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt xác nhận, đã cho phép tàu khách siêu tốc tuyến Sa Kỳ (đất liền)-Lý Sơn được hoạt động trở lại.

Tàu khách siêu tốc Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại đã được phép hoạt động.
Tàu khách siêu tốc Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại đã được phép hoạt động.

Tuy nhiên theo người đứng đầu BCĐ phòng chống dịch Covid-19 huyện Lý Sơn, hiện tình hình dịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn phức tạp nên du khách vẫn chưa được phép ra đảo, trừ người dân Lý Sơn và các trường hợp đi công vụ. Vì vậy tần suất và số lượt chuyến ra vào (từ đất liền – đảo Lý Sơn và ngược lại) như thế nào, do các doanh nghiệp tự quyết định và đăng ký.

Vào sáng cùng ngày, ông Trần Đình Xem, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng và dịch vụ vận tải Biển Đông cho biết, sau khi bàn bạc và trao đổi, các doanh nghiệp vận tải khách hoạt động của tuyến này đã thống nhất trước mắt, mỗi tuần chạy 2 ngày vào thứ 2 và thứ 6, với số lượt 1 chuyến ra và 1 chuyến vào/ngày.

Theo ông Xem do đối tượng ra vào bị hạn chế (dân trên đảo và người đi công vụ, cán bộ ra làm việc) nên số lượng khách ước tính bình quân đi chỉ từ 20-40 người/lượt.

Với giá vé từ 160-178.000 đồng/khách/lượt nên tiền vé mà chủ tàu thu về chưa đến 10 triệu đồng/chuyến; trong khi đó chi phí lại gấp đôi (20 triệu đồng/chuyến), nên chủ phương tiện phải bù lỗ trên dưới 10 triệu đồng/chuyến. Nếu thời gian sau lượng khách ra vào tăng thì sẽ tăng lượt, tăng chuyến.

Lực lượng chức năng cảng Sa Kỳ đang kiểm soát khách ra đảo Lý Sơn để phòng chống dịch Covid-19.
Lực lượng chức năng cảng Sa Kỳ đang kiểm soát khách ra đảo Lý Sơn để phòng chống dịch Covid-19.

Được biết kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng đến nay, cùng với 2 huyện Sơn Tây và Minh Long, Lý Sơn là 1 trong 3 huyện ở Quảng Ngãi chưa có trường hợp F0 cộng đồng.

Tàu khách hoạt động chỉ được phép đưa, đón người dân Lý Sơn và các trường hợp đi công vụ từ đất liền ra đảo và ngược lại.
Tàu khách hoạt động chỉ được phép đưa, đón người dân Lý Sơn và các trường hợp đi công vụ từ đất liền ra đảo và ngược lại.

Theo đó cùng với áp dụng hàng loạt biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt để bảo vệ “vùng xanh” Lý Sơn, thời gian qua toàn bộ tàu khách siêu tốc tuyến Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại, phải tạm thời dừng hoạt động.

Bí thư Huyện uỷ, Trưởng BCĐ phòng chống dịch Covid-19 huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt.
Bí thư Huyện uỷ, Trưởng BCĐ phòng chống dịch Covid-19 huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt.

Cấp thẩm quyền Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn chỉ cho phép tàu vận tải chở hàng hoá, nhu yếu phẩm được ra vào đảo. Đối với những trường hợp đi công vụ và các trường hợp đặc biệt khác, thì được phép đi theo tàu chở hàng.

Một góc đảo Lý Sơn.
Một góc đảo Lý Sơn.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch Cvid-19 ở Lý Sơn, đại diện chính quyền nơi đây cho biết đến thời điểm này, số đã và đang được tiêm vaccine phòng chống Covid-19 của đảo khoảng 8000 người/16000 người ( tính từ 18 tuổi trở lên). Trong đó đó số được tiêm mũi thứ 2 ước trên 2000 người.

Công Hoàng

Coi thêm tại : Cho phép tàu khách siêu tốc Sa Kỳ-Lý Sơn được hoạt động trở lại

Hoạ kép vì thiên tai, hàng trăm ruộng hành hư hỏng nặng, dân mất trắng hàng tỷ đồng

Đợt mưa dữ dội kéo dài suốt 2 ngày qua, đã làm cho hàng trăm ruộng hành nằm ở khu vực phía đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn ngập sâu trong nước nên hư hỏng, gây thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, người dân trồng hành của đảo gặp nạn do mưa bão gây ra.

Chiều 8/10, trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết đến thời điểm này, khu vực đồng ruộng hành phía đông An Vĩnh bị ngập do đợt mưa lớn vừa qua, nước đã rút hết.

Hành trồng của người dân bị hư hỏng vì đợt mưa lớn.
Hành trồng của người dân bị hư hỏng vì đợt mưa lớn.
Khu vực đồng trồng hành bị ngập nước làm người dân thiệt hại tiền tỷ.
Khu vực đồng trồng hành bị ngập nước làm người dân thiệt hại tiền tỷ.

Tổng diện tích cây hành bị ngập tại khu vực đồng ruộng trên ước khoảng 10 ha. Tuy một số ruộng hành dù bị ngập, nhưng đã gần thời gian thu hoạch, nên người dân có thể nhổ lấy củ. Nhưng còn rất nhiều ruộng do củ còn quá nhỏ, non nên phải bỏ, thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.

Theo người đứng đầu chính quyền huyện này, đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, người dân trồng hành đảo Lý Sơn mất tiền tỷ vì mưa bão.

Ruộng hành bị ngập nước.
Ruộng hành bị ngập nước.

Được biết trước đó vào ngày 12/9, cơn bão số 5 đã càng quét, làm cho hơn 100 ha/300 ha hành trồng của người dân huyện đảo bị đổ ngã và hư hỏng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Cánh đồng hành trở thành ao chứa nước.
Cánh đồng hành trở thành ao chứa nước.
Hàng loạt ruộng hàng đã bị ngã hỏng trước khi nước rút.
Hàng loạt ruộng hàng đã bị ngã hỏng trước khi nước rút.

Từ bao đời qua cùng với tỏi, hành là cây trồng chính mang lại nguồn thu nhập chủ yếu của người dân Lý Sơn, với diện tích trồng hàng năm khoảng 300 ha.

Hành bị hư hại do cơn bão số 5 cách đây khoảng 1 tháng.
Hành bị hư hại do cơn bão số 5 cách đây khoảng 1 tháng.

Được trồng trên loại cát pha vôi nên hành, tỏi Lý Sơn có chất lượng và hương vị thơm ngon đặc biệt, trở thành đặc sản nổi tiếng và được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.

Một cánh đồng trồng hành, tỏi của người dân Lý Sơn.
Một cánh đồng trồng hành, tỏi của người dân Lý Sơn.

Vì vậy nhiều du khách, người dân đất liền khi ra đảo Lý Sơn tham quan, hay đi công tác khi trở về, hành và tỏi đã trở thành món quà không thể thiếu trong hành trang của mình.

Nhiệt Băng

Coi nguyên bài viết ở : Hoạ kép vì thiên tai, hàng trăm ruộng hành hư hỏng nặng, dân mất trắng hàng tỷ đồng

Nhiều tàu về cảng bị kẹt “lệnh cấm” đã được phép bán hải sản

Sau khi trở về và bị kẹt do lệnh dừng hoạt động tất cả các cảng, bến cá mà tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành và áp dụng từ ngày 15/9, 24 tàu cá của ngư dân thị xã Đức Phổ đã được cho phép đưa khoảng 220 tấn hải sản đánh bắt lên bờ tiêu thụ.

Sáng 18/9, sau khi PV Etime có loạt bài phản ánh những kiến nghị, bất cập đối với quy định dừng hoạt động tất cả các cảng, bến cá trên địa bàn, mà cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành và áp dụng từ ngày 15/9 vừa qua, chính quyền thị xã Đức Phổ đã thông báo tin vui.

Khoảng 220 tấn hải sản/24 tàu cá của ngư dân Đức Phổ đã được đưa lên bờ đi tiêu thụ.
Khoảng 220 tấn hải sản/24 tàu cá của ngư dân Đức Phổ đã được đưa lên bờ đi tiêu thụ.

Cụ thể khoảng 220 tấn hải sản của 24 tàu cá trở về neo đậu tại 2 cảng Phổ Quang, phường Phổ Quang và cảng Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh trước ngày 15/9 (nhưng bị kẹt lệnh cấm của tỉnh nên chưa tiêu thụ), đã được cấp thẩm quyền Quảng Ngãi cho phép đưa lên bờ để bán.

Tuy nhiên lãnh đạo UBDN thị xã Đức Phổ biết, hiện vẫn còn trên 100 tàu cá của ngư dân địa phương ra khơi đánh bắt trước ngày 15/9, nhưng hiện đang và chưa trở về bến. Vì vậy rất mong tỉnh xem xét giải quyết cho số tàu cá này được cập bến, đưa hải sản đánh bắt đi tiêu thụ.

Cũng theo chính quyền thị xã Đức Phổ, kể từ ngày 15/9 đến nay (khi lệnh dừng hoạt động tất cả các cảng, bến cá trong toàn tỉnh có hiệu lực), không có trường hợp tàu thuyền nào được phép xuất bến ra khơi đánh bắt.

Vào sáng cùng ngày, một diễn biến liên quan đến lệnh cấm nêu trên của Quảng Ngãi, chính quyền huyện đảo Lý Sơn đã có văn bản kiến nghị tỉnh điều chỉnh cho phù hợp.

Hoạt động đánh bắt ven bờ của ngư dân Lý Sơn.
Hoạt động đánh bắt ven bờ của ngư dân Lý Sơn.

Cụ thể trong văn bản (số 2835/UBND, do Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương ký, ngày 16/9/2021) nêu, hiện có 16 tàu của ngư dân đang hoạt động khai thác ngoài biển chuẩn bị trở về, với sản lượng hải sản đánh bắt ước trên 100 tấn.

Hàng ngày có nhiều phương tiện của ngư dân Lý Sơn tham gia đánh bắt gần bờ (thời gian đi về trong ngày); nhiều lồng bè nuôi hải sản sắp thu hoạch bán để tránh mưa bão sắp về….

Cảnh mua bán ở cảng Lý Sơn.
Cảnh mua bán ở cảng Lý Sơn.

Với thực tế như vậy thì việc áp dụng và thực hiện quy định dừng hoạt động các cảng, cửa biển mà tỉnh đã ban hành, gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở đảo.

Theo đó chính quyền huyện Lý Sơn kiến nghị tỉnh xem xét, có sự điều chỉnh cho phù hợp, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, công tác kiểm tra và kiểm soát của địa phương; vừa giữ ổn định cuộc sống của người dân trên đảo.

Hiện hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi ra khơi trước ngày 15/9 đang trên đường trở về.
Hiện hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi ra khơi trước ngày 15/9 đang trên đường trở về.

Như PV Etime đã phản ánh, trước nguy cơ lây lan và bùng phát dịch Covid-19 từ các cảng, bến cá nên vào ngày 15/9/2021, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quy định dừng hoạt động tất cả các cảng, bến cá trên địa bàn.

Một góc cảng Phổ Quang, thị xã Đức Phổ.
Một góc cảng Phổ Quang, thị xã Đức Phổ.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng nếu áp dụng quy định này, cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ ngư dân bị ảnh hưởng (phải ở nhà, không ra khơi do cảng, bến dừng hoạt động) sẽ được giải quyết ra sao, trong khi các cảng, cửa biển không phải là vùng bị phong toả, hay có ổ dịch Covid-19 và hiện đang áp dụng biện pháp phòng chống mức thấp nhất theo quy định là Chỉ thị 19/CT-TTg.

Hoàng Tuyến

Coi nguyên bài viết ở : Nhiều tàu về cảng bị kẹt “lệnh cấm” đã được phép bán hải sản

Nhiều nơi lúng túng vì lệnh dừng hoạt động tất cả các cảng, bến cá

Thừa nhận nếu không kiểm soát chặt thì nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 từ các cảng, bến cá là rất cao, nhưng việc cấp thẩm quyền tỉnh ban hành lệnh dừng hoạt tất cả các cảng, bến cá trên địa bàn đã gây nhiều ý kiến trong dư luận và sự lúng túng của địa phương khi thực hiện quy định này.

Hoạt động của cảng, cửa biển ở Quảng Ngãi đều bị dừng hoạt động kể từ ngày 15/9.
Hoạt động của cảng, cửa biển ở Quảng Ngãi đều bị dừng hoạt động kể từ ngày 15/9.

Cũng như nhiều địa phương ven biển trong cả nước, ngoài trồng hành tỏi, khai thác và nuôi trồng hải sản trên biển mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng ngàn hộ dân ở huyện đảo Lý Sơn.

Theo chính quyền Lý Sơn, hiện toàn huyện có khoảng 554 tàu thuyền lớn, nhỏ với tổng sản lượng hải sản đánh bắt khoảng 30.000 tấn/năm. Ngoài ra những năm gần đây nuôi cá, tôm lồng ở vùng biển Lý Sơn phát triển rất mạnh.

Chính vì vậy khi tỉnh ban hành và áp dụng quy định từ ngày 15/9/2021, dừng hoạt động các cảng, bến cá để chống dịch Covid-19, thu hút sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương nơi đây.

Sáng 16/9, trao đổi với PV Etime, đại diện UBND huyện Lý Sơn cho biết, hiện còn khoảng 10 tàu thuyền của ngư dân trên đảo đang hoạt động khai thác trên biển, chưa về bến.

Bên cạnh đó số cá lồng nuôi của dân đang chuẩn bị thu hoạch, đưa vào đất liền bán ước khoảng 10 tấn.

Nhưng hiện tỉnh đã ban hành quy định dừng hoạt động các cảng, bến cá nên chưa biết phải xử lý thế nào.

Nhiều tàu cá không thể trở về và cập bến ở Quảng Ngãi kể từ ngày 15/9.
Nhiều tàu cá không thể trở về và cập bến ở Quảng Ngãi kể từ ngày 15/9.

Còn tại thị xã Đức Phổ, theo chính quyền nơi đây hiện tại 2 cảng Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh và cảng Phổ Quang, phường Phổ Quang có 24 tàu vừa về bến, với số lượng cá đánh bắt chờ bán khoảng 220 tấn. Dự kiến trong thời gian đến sẽ có 102 tàu của ngư dân thị xã đang đánh bắt trên biển, tiếp tục trở về bến.

Vì vậy cũng như Lý Sơn, trước lệnh cấm nêu trên (dừng hoạt động các cảng, bến cá) từ cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi, UBND thị xã Đức Phổ cũng đang loay hoay chưa biết giải quyết thế nào.

Quy định dừng hoạt động các cảng, cửa biển trong toàn tỉnh thì mới ban hành và chính thức áp dụng từ ngày 15/9, trong khi tàu của ngư dân ra khơi đánh bắt đã nhiều ngày trước đó, nên giờ giải thích cho số này thế nào.

Một góc khu vực nuôi cá lồng ở Lý Sơn.
Một góc khu vực nuôi cá lồng ở Lý Sơn.

Đặc biệt là cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ ngư dân phải ở nhà, không ra khơi (do cảng, bến dừng hoạt động) sẽ được giải quyết ra sao, trong khi các cảng, cửa biển không phải là vùng bị phong toả, hay có ổ dịch Covid-19 và hiện đang áp dụng biện pháp phòng chống mức thấp nhất theo quy định là Chỉ thị 19/CT-TTg.

Nhiều ngư dân và lãnh đạo chính quyền một số địa phương khi được hỏi cũng xác nhận nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch Covid-19 ở khu vực cảng cửa biển là rất cao.

Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động khai thác trên biển.
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động khai thác trên biển.

Tuy nhiên đại đa số cảng, cửa biển trong tỉnh đang được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, không phải điểm nóng về Covid-19; tình dịch trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định…vì vậy nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh dừng hoạt động tất cả các cảng, cửa biển để chống dịch là quá mức cần thiết.

Theo đại diện chính quyền một số địa phương, tỉnh nên chọn 1 số cảng, cửa biển thích hợp cho tiếp tục hoạt động, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục vươn khơi; tăng cường chống dịch Covid-19 tại các cảng, cửa biển được phép hoạt động; giám sát nghiêm quá trình hoạt động khai thác trên biển của tàu cá, xử lý nặng các trường hợp vi phạm (tắt thiết bị giám sát hành trình).

Một góc cảng Phổ Quang, phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ.
Một góc cảng Phổ Quang, phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ.

Vào sáng cùng ngày, trao đổi với PV Etime, đại diện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cho biết sẽ xem xét các kiến nghị trên của ngư dân và các địa phương, để có hướng chỉ đạo giải quyết phù hợp.

Hoàng Tuyến

Đọc nguyên bài viết tại : Nhiều nơi lúng túng vì lệnh dừng hoạt động tất cả các cảng, bến cá

Người dân huyện Lý Sơn an táng cá Ông 700kg lụy vào đảo

Sáng sớm nay (17/9) người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tiến hành an táng cá Ông lụy vào đảo.

Cá Ông dài 2,5m, nặng khoảng 700kg, được người dân phát hiện tại khu vực biển gần di tích Lăng Tân, ở thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn vào chiều tối 16/9.

Dùng cẩu đưa xác cá voi lên bờ an táng.
Dùng cẩu đưa xác cá voi lên bờ an táng.

Cá Ông trong tình trạng phân hủy nặng. Trung tâm Truyền thông- Văn hóa- Thể thao huyện Lý Sơn đã phối hợp với Vạn Vĩnh Thạnh, ở thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn dùng bạt phủ quanh thân.

Sau đó dùng xe cẩu lên bờ và di chuyển vào Vạn Vĩnh Thạnh để an táng theo phong tục của cư dân vùng biển. Do tình hình dịch bệnh nên việc an táng cá Ông được tổ chức ngắn gọn, đảm bảo phòng, chống dịch.

Ngư dân chôn cá voi theo tín ngưỡng miền biển.
Ngư dân chôn cá voi theo tín ngưỡng miền biển.

Ông Lê Văn Thiệu, chủ Vạn Vĩnh Thạnh cho biết, Vạn Vĩnh Thạnh còn được gọi là Sở đại tướng, nơi ang táng nhiều cá Ông nhất trên đảo. Sau 10 năm, mộ cá Ông sẽ được khai quật đưa tro cốt vào Vạn thờ phụng, tôn kính.

Theo tín ngưỡng người dân Lý Sơn, cá Ông, hay còn gọi là cá Voi thường che chở cho họ mỗi chuyến ra khơi, ở Lý Sơn đã có nhiều ngư dân gặp nạn ngoài biển trong bão tố của được Ông che chở, vượt qua.

Trước khi ra khơi, việc ngư dân làm đầu tiên là thắp hương cầu Ông phù hộ bình an, may mắn, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang./.

Hữu Danh

Coi nguyên bài viết ở : Người dân huyện Lý Sơn an táng cá Ông 700kg lụy vào đảo

Huyện Lý Sơn không còn chính sách hải đảo sau khi giải thể chính quyền cấp xã

Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị đưa huyện đảo Lý Sơn vào danh sách đặc biệt khó khăn và hưởng chính sách như đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị.

Đảo Lý Sơn hiện là chính quyền 1 cấp và không còn hưởng các chế độ chính sách bãi ngang, hải đảo
Đảo Lý Sơn hiện là chính quyền 1 cấp và không còn hưởng các chế độ chính sách bãi ngang, hải đảo

Trưa 16-9, ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã kiến nghị Bộ Kế hoạch – đầu tư đưa đảo Lý Sơn vào danh sách đặc biệt khó khăn.

Theo đó, trong cuộc họp trực tuyến với Bộ Kế hoạch – đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công ở miền Trung và Tây Nguyên năm 2022, ông Minh đề nghị bộ này xem xét bổ sung huyện đảo Lý Sơn vào danh sách đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 để hưởng chính sách ưu đãi như huyện đảo Cồn Cỏ của Quảng Trị, theo quyết định của Thủ tướng trước đây.

Ngoài ra ông Minh đề xuất đối với Lý Sơn cần giữ nguyên các chế độ, chính sách như khi còn chính quyền cấp xã.

Bởi trước đây, Lý Sơn được hưởng các ưu đãi cho vùng bãi ngang, hải đảo theo quyết định 131/2017 của Thủ tướng. Tháng 3-2020, ba xã cũ An Hải, An Vĩnh, An Bình (thuộc huyện Lý Sơn) bị giải thể, biến đảo Lý Sơn thành chính quyền 1 cấp huyện. Từ đó, đảo Lý Sơn đã bị cắt các ưu đãi trên.

Du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, người dân huyện Lý Sơn sống dựa vào nông nghiệp
Du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, người dân huyện Lý Sơn sống dựa vào nông nghiệp

Bà Phạm Thị Hương, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết Lý Sơn có một thời gian phát triển du lịch, dịch vụ tốt, đời sống người dân dần ổn định. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, dịch COVID-19 bùng phát, du lịch ở đảo bị “đóng băng”. Trong khi người dân từ lương thực, thực phẩm, hàng hóa phải chuyển đường bộ, đường biển khi ra đến đảo giá tăng cao hơn so với đất liền.

“Đến nước ngọt cũng phải mua, người dân trên đảo gặp rất nhiều khó khăn. Đau ốm, cấp cứu phải thuê tàu cao tốc chở vào đất liền với chi phí cả chục triệu đồng”, bà Hương nói.

Đồng thời, bà Hương cho biết, từ khi chính quyền cấp xã ở Lý Sơn giải thể, các chính sách ưu tiên về bảo hiểm y tế, hỗ trợ nằm viện cho bệnh nhân nghèo; hỗ trợ tiền ăn trưa cho cấp bậc mầm non; hỗ trợ miễn giảm tiền học phí cho học sinh, sinh viên… đều bị cắt.

“Cán bộ công chức, người lao động và lực lượng vũ trang công tác ở đảo không được hưởng cơ chế chính sách đối với vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, một số cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, cơ chế bãi ngang, hải đảo của đảo Lý Sơn cũng không còn”, bà Hương nói thêm.

Trần Mai

Xem bài nguyên mẫu tại : Huyện Lý Sơn không còn chính sách hải đảo sau khi giải thể chính quyền cấp xã